RFA phỏng vấn chủ tàu VN vừa bị TQ cướp bắt

danhca-2-305Tàu đánh cá VN nay không dám ra xa và thường đi chung 1 vài chiếc. Photo : RFA

Ba chiếc tàu của các ngư dân huyện đảo Lý Sơn bị tàu Trung Quốc bắt giữ khi đang đánh bắt tại khu vực quần đảo Hoàng Sa vào ngày 7 và 8 tháng 12 vừa qua. Trung Quốc tịch thu hai tàu, cho một tàu chở ngư dân về sau khi lấy hết máy móc hành nghề. Tất cả 43 ngư dân được thả vào ngày 10 và về đến đảo Lý Sơn vào 19 giờ tối ngày 11 tháng 12.

Việt Hà RFA có bài phỏng vấn ông Dương Lúa, chủ tàu số QNg 96024-TS về sự việc vừa xảy ra.

Việt Hà: Xin ông cho biết là sự việc tàu của ông bị phía Trung Quốc bắt là vào lúc nào, ở đâu ạ và xảy ra như thế nào không ạ?

Dương Lúa: Coi như bữa ngày đó tôi chạy là ngày 6, gió cấp 6 cấp 7, tôi ở Trong Sa, tôi chạy lên đó, chiều đó coi như một trăm mấy hải lý mới tới khu vực Hoàng Sa, tới đó là tối, sáng ra ngày 7 là báo gió thì tôi neo tàu lại thì thấy tàu lạ thì mình chạy. Nhưng mà mình chạy được 11 hải lý thì nó bắt mình.

Việt Hà: Ông có thấy tàu của họ có súng không và họ có bắn súng theo tàu của ông không?

Dương Lúa: Tàu đấy mình gọi là tàu kiểm ngư của Trung Quốc, nó mặc áo xanh và có quân hàm đàng hoàng. Tàu này không có súng, tàu nó to nó thả ca nô xuống bắt mình. Tàu nó bắt mình là mang biển số 309, có có 3 chữ nho rồi 309.

Việt Hà: Lúc đó trên tàu của ông có bao nhiêu người?

Dương Lúa: Có tất cả thuyền viên, 14 người.

Việt Hà: Tôi nghe nói là còn có hai tàu khác của huyện đảo Lý Sơn cũng bị bắt cùng lúc với ông?

Dương Lúa: Mấy chiếc kia bắt ngày 8.

Việt Hà: Tàu Trung quốc sau khi bắt các ông xong thì họ đối xử với mình thế nào, có ai bị đánh đập không, đồ đạc có bị mất gì không?

Dương Lúa: Đánh thì nó không có đánh, nó bắt mình thì nó cho người xuống tàu của mình rồi mình chạy theo nó về đảo lớn của nó. Nó lấy đồ hết. Lấy đồ máy móc, máy định vị, máy quét máy dò. Nó chạy vô bờ rồi lúc đó cho mình về thì bịt mặt. Tàu nó thu hết rồi, còn gì đâu. Cho tàu Lê Tân về, bắt tàu của Lê Lộc và Dương Lúa. Ông Lê cũng như tôi thôi, mất hết tàu bè, về tay không thôi. Về ngày 10 thì 11 giờ về đến Lý Sơn. Lúc về tới đảo Lý Sơn là 19 giờ.

Việt Hà: Các thuyền viên về an toàn hết chứ ạ?

Dương Lúa: Người ta về an toàn hết.

Việt Hà: Họ có lấy cá của tàu ông không? Và số lượng là bao nhiêu?

Dương Lúa: Có lấy cá trên tàu mà không có bao nhiêu.

Việt Hà: Ông ước tính trị giá mà ông bị mất là bao nhiêu không?

Dương Lúa: Tàu tôi, trang bị máy móc, đồ sơ cua, đồ tôi đi làm là mất 750 triệu.

Việt Hà: Lúc họ thả cho các ông về thì họ có cung cấp đủ gạo và nước không?

Dương Lúa: Lúc về thì nó cho mình xuống tàu, thì tàu có gạo có nước ở dưới rồi.

Việt Hà: Khi về thì các ông đã báo cho chính quyền biết chưa, và họ có hứa hẹn gì ạ?

Dương Lúa: Cũng báo với chính quyền thì ngày hôm qua đồn biên phòng đến làm việc ngày hôm qua và sáng hôm nay. Tình hình khai báo như thế này thế nọ. Rồi người ta làm giấy tờ này nọ, mình dân đâu có biết chuyện gì đâu. Tôi là người dân mất của thì trước mắt thấy mất hoàn toàn rồi đó. Nhưng mà về thì đồn, trách nhiệm đồn thì họ sẽ làm việc. Họ làm xong thì họ về. Nhưng mà cũng mong muốn cấp trên làm sao mà nhân dân chúng tôi làm biển, còn nếu làm thực tế như bây giờ thì đời con đời cháu làm sao mà đi ra đó nữa.

Việt Hà: Vậy ông có dự định tiếp tục công việc đánh bắt cá của mình trong tương lai thế nào ạ?

Dương Lúa: Tôi trước mắt thì tài sản mất không còn nữa, nếu mà có đi thì cũng đi của người ta thôi chứ còn tài sản không còn nữa.

Việt Hà: Xin được hỏi là khi ông bị bắt ở đó thì chỗ đó có phải là chỗ các ngư dân mình hay đánh bắt không và ông có biết vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam hay Trung Quốc?

Dương Lúa: Đó là khu vực mình đánh bắt miết mà. Bà con ngư dân mình đánh bắt ở đó miết mà. Mình cũng nghe người ta nói là cho ngư dân ra đó làm biển thì mình ra đó đánh bắt lai rai.

Việt Hà: Sau lần này ông còn có ý định ra đó đánh bắt cá nữa không?

Dương Lúa: Giờ đi thì không ra đó nữa, của mình tài sản ra đó mà người ta bắt miết thì làm sao dám đi. Phải chi đi mà nhà nước can thiệp vô, thì mình còn ra đó. Còn đây mình ra đó người ta bắt, mất của ai người nấy chịu thì ai dám ra.

Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phóng vấn.

RFA

Bình luận về bài viết này